Không những thế,àCuốiđiđầulàmnôngnghiệpsạchứng chỉ mos bà Cuối (hiện là Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý) còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều nông trại cùng làm giàu từ nông nghiệp sạch.
16 năm "đi học nghề"
Sinh năm 1971 tại "miền quê gái đảm" Đan Phượng (TP.Hà Nội), từ nhỏ, bà Cuối đã là một người nông dân chăm chỉ, tháo vác. Nhưng làm nông mà chỉ dựa vào sức vóc, lực điền thì lam lũ đến mấy cũng chỉ đủ ăn, nên năm 2000, bà đành lòng xa gia đình để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, ước mong về một tương lai khấm khá hơn.
Không như nhiều lao động khác chọn vào làm tại các công ty hay giúp việc gia đình, bà Cuối xin vào làm việc tại một trang trại trồng rau hữu cơ. Tuy gốc gác nông dân nhưng bà Cuối không khỏi ngỡ ngàng trước cách thức làm nông nghiệp hiện đại ở nơi cách Việt Nam không xa.
Bà Cuối nhớ lại: "Trồng rau ở đó không mất nhiều sức như người nông dân Việt Nam nhưng giống như nuôi con mọn. Đặc biệt, năng suất cao gấp vài lần so với ở quê và là sản phẩm rau sạch nên giá bán vượt trội". Mục sở thị cách trồng rau hữu cơ, bà Cuối đã ấp ủ ý tưởng một ngày nào đó về Việt Nam sẽ áp dụng những kinh nghiệm học hỏi được để sản xuất rau hữu cơ.
Năm 2017, sau 16 năm đi học nghề trồng rau ở xứ người, bà Cuối trở về với "gia sản" là ốc vít, khung sắt, dây chằng mái, màn chống côn trùng, giống cây trồng và một ít vốn. Đa phần, người đi xuất khẩu lao động về nước đã ở độ tuổi "cứng", chỉ muốn xây nhà to, tận hưởng cuộc sống tuổi xế chiều sau bao năm vất vả kiếm sống. Bà Cuối lại nghĩ khác: khởi nghiệp với cái nghề chẳng mới mẻ gì là trồng rau.
Bà động viên chồng, mang số tiền tích cóp bao năm khoảng 500 triệu đầu tư nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.600 m2của gia đình. Chồng bà, ông Quý vẫn lấn cấn nói: "Tôi chưa thấy ai trồng rau mà giàu cả. Bà suy nghĩ kỹ chưa?, thất bại là chẳng có tiền dưỡng già đâu!", nhưng bà vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình.
Tuy biết điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam có nhiều khác biệt so với ở Đài Loan nhưng bà vẫn áp dụng quy trình sản xuất khắt khe giống như chính mình đã học và làm ở Đài Loan. Toàn bộ giống rau bà nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, đất được bón phân hoai mục. "Lứa đầu tiên rau lên xanh tốt, sau 4 tháng trồng thì được thu hoạch. Tôi mang ra chợ bán nhưng chẳng ai mua vì người dân thấy rau đẹp và to hơn bình thường, họ sợ rau phun thuốc kích thích", bà Cuối cho biết.
Không những học hỏi được cách sản xuất rau mà ngay cách tạo lòng tin với khách hàng bà Cuối cũng học và vận dụng thành công. Bà bàn với chồng, mang rau ra tặng cho mọi người, ai lấn cấn giữa rau sạch – rau phun thuốc, bà liền bẻ ngọn rau ăn trực tiếp cho họ xem, khiến ai cũng đều tin tưởng. Thế rồi, khách kéo đến nhà vườn nhà bà nườm nượp, rau trồng không kịp bán.
Thành công bước đầu, bà Cuối lấy ngắn nuôi dài, thuê thêm đất của các hộ dân trên địa bàn xã Đan Phượng để mở rộng sản xuất tới 5,5 ha và thành lập Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Bao nhiêu lợi nhuận có được bà lại tái đầu tư, không cho tiền nghỉ, đất nghỉ. Bà vay ngân hàng và "tất tay" đầu tư 8 tỉ đồng để xây dựng 80 nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động.
Nguyên tắc "5 không"
Bà Cuối nhớ lại: "Đã có lúc rau bị nhiều sâu bệnh, chồng tôi bảo có khi phải mua thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phun nhưng tôi nhất định không. Tôi chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Tôi nói với ông ấy rằng, phun thuốc sinh học có thể không làm sâu bệnh chết ngay nhưng an toàn cho người tiêu dùng, đó là nguyên tắc và là giá trị lớn nhất của rau sạch".
Đặc biệt, bà Cuối đề ra nguyên tắc "5 không" trong sản xuất rau sạch, tuy không mới nhưng để thực hiện không hề dễ dàng; đó là: không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen và bảo vệ thiên địch.
Hữu xạ tự nhiên hương, sản phẩm của Hợp tác xã Cuối Quý "mọc" lên đến đâu cháy hàng ngay đến đó. Khách hàng từ những người hàng xóm bình dân đến các hệ thống siêu thị cao cấp, hệ thống các trường học đến đặt đơn hàng dài hạn. Sản phẩm cũng rất đa dạng từ truyền thống đến hiện đại, như: cải bắp, cải thảo, su hào, bắp cải tí hon, mướp hồ lô, mướp tròn... Vài năm gần đây, chị Cuối trồng thêm nho hạ đen và nho Hàn Quốc với diện tích 1 ha. Chị đang tìm thuê thêm đất để trồng dâu tây, cà chua bi đỏ và triển khai mô hình nông trại du lịch sinh thái.
Về tâm huyết của vợ, ông Quý bộc bạch: "Ban đầu, vợ tôi bảo sẽ làm giàu từ trồng rau sạch, tôi hoang mang lắm, hơn nữa tuổi cũng không phải còn trẻ để sai nhưng vợ tôi rất quyết tâm. Mình đàn ông mà đôi khi không dứt khoát được như vợ. Từ khi đặt hạt giống đầu tiên, cả hai vợ chồng đều mất ăn mất ngủ, rồi khó khăn dần đi qua. Gần 6 năm nay, vợ tôi ngày nào cũng dậy từ 3 giờ sáng cùng anh em hái rau, đóng gói, bắt sâu rồi xuất hàng đi..., chẳng mấy khi bà ấy ngủ được giấc trọn vẹn.
Luôn mong nông dân cùng làm giàu
Quãng thời gian 6 năm khởi nghiệp chưa phải dài nhưng Hợp tác xã Cuối Quý đã có tốc độ phát triển "thần kỳ". Sản lượng rau củ quả hằng năm đạt từ 50 – 80 tấn, doanh thu từ 800 triệu đến 1,2 tỉ đồng, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Hiện tổng giá trị của hợp tác xã lên đến trên 11 tỉ đồng. Hiện nay, Hợp tác xã Cuối Quý cung cấp rau sạch cho gần 20 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, tổng lượng rau đưa ra thị trường khoảng 4 – 5 tấn rau xanh/tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, Hợp tác xã Cuối Quý còn chuyển giao mô hình cho một số trường học để nhà trường hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, Hợp tác xã Cuối Quý còn nhận hỗ trợ 8 hộ cận nghèo về vốn, cây giống và việc làm với số tiền trên 200 triệu đồng/năm.
Hiện tại, Hợp tác xã Cuối Quý tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng và 50 – 60 lao động thời vụ, thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Một số sản phẩm của hợp tác xã đã được TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
Đặc biệt, Hợp tác xã Cuối Quý còn chủ động sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện tại, bà Cuối đang đầu tư xây dựng cơ sở hai ở quận Bình Chánh (TP.HCM) với diện tích 5 ha để phục vụ rau sạch cho thành phố đông dân nhất cả nước.
Trong đợt dịch Covid-19, Hợp tác xã Cuối Quý đã tham gia hỗ trợ nông sản cho lực lượng chống dịch, các hộ gia đình phải cách ly y tế và tiêu thụ giúp bà con 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau, củ, quả, ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt. Bà Cuối còn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 30 nông trại khắp cả nước, giúp đỡ các hộ sản xuất nhỏ lẻ khởi nghiệp, cùng nhau làm giàu từ nông nghiệp sạch.
Năm 2022, bà Đặng Thị Cuối vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú của UBND TP.Hà Nội.